Xã Thành Triệu có diện tích tự nhiên 892,9 ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 968 ha, diện tích trồng dừa là 299 ha, diện tích đất trồng bưởi năm 2024 là 312,7 ha, nhằm tiếp tục tạo việc làm cho hội viên, phụ nữ những năm gần đây, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, nhiều người dân trong địa bàn xã Thành Triệu đã có thêm nhiều cơ hội đầu tư, nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Triệu đã tích cực rà soát, hỗ trợ hội viên, hộ gia đình phụ nữ vay vốn trồng trọt, chăn nuôi,... Trong đó, ưu tiên hội viên thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo. Nhờ nguồn vốn này, các hộ gia đình triển khai các mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Triệu đang quản lý 8 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ ủy thác là 10.157.418 nghìn đồng ( Mười tỷ, một trăm năm mươi bảy triệu, bốn trăm mười tám nghìn đồng), cho 359 hộ vay, số dư tiết kiệm 537.493.605 đồng ( Năm trăm ba mươi bảy triệu, bốn trăm chín mươi ba nghìn, sáu trăm linh năm đồng). Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, nhiều hội viên phụ nữ đã phát triển kinh tế, công việc ổn định, nâng cao thu nhập.
Điển hình là hộ gia đình chị Trần Thị Tú Lệ - hội viên Phụ nữ ấp Phước Lễ, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, là hộ gia đình tiêu biểu sử dụng vốn vay có hiệu quả cao. Bản thân chị luôn xác định vai trò của mình trong việc đóng góp xây dựng phong trào hoạt động của tổ, phong trào chung của xã nhà. Khi nắm được chủ trương tuyên truyền vận động bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm vượt qua hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH. Năm 2021 chị đã vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn NHCS xã hội huyện nhằm mục đích chăm sóc vườn cam sành. Từ việc được hỗ trợ vốn vay, được tham gia các lớp tập huấn khoa học, kỹ thuật, được sự chia sẻ kinh nghiệm từ hội viên khác, và sự cần cù chịu khó của gia đình nên việc phát triển, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị gặp rất nhiều thuận lợi . Khi nhận được nguồn vốn chị bắt đầu mua phân bón chăm sóc vườn cam. Đến năm 2024, chị tiếp tục nâng vốn vay NHCSXH lên 50.00.000 đồng để ươm ghép cây giống, gia đình chị ươm ghép trên 100 nghìn cây chanh, cam sành, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc vườn cam, ươm ghép cây giống nên vườn cây trái của chị phát triển tốt.
Chị Lệ chia sẻ, thu nhập của gia đình chị từ bán cam cũng trên 40 triệu đồng/ năm. Chị cho biết : “Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH gia đình tôi đã đầu tư vào việc chăm sóc vườn cam, ươm ghép, hiện nay được hơn 4 năm vườn cây trái đang phát triển tốt, năm 2021 gia đình chị vay vốn 30 triệu đồng đầu tư vào mảnh vườn đang trồng cam sành hiện đang cho trái. Đến cuối năm 2024 sau trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận thu được đạt từ 40 - 45 triệu đồng/năm. Do vậy, thu nhập của gia đình vươn lên thoát nghèo, hộ sẽ trả gốc đúng theo thời gian quy định”.
Không chỉ riêng hộ gia đình Chị Lệ mà với nhiều hộ hội viên, người dân khó khăn trên địa bàn xã Thành Triệu, tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội là điểm tựa vững chắc và là động lực quan trọng giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có công việc làm thêm tăng thu nhập, trang trải cuộc sống, hộ tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo, chịu khó lao động làm giàu chính đáng.
Qua đó, cho thấy kết quả sử dụng vốn vay hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nhất là những hộ thiếu vốn sản xuất, giúp cho các hộ gia đình và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.